►► Qua quan sát thực tế tại một số công trình xây dựng dân sinh (chủ yếu là nhà ở) trên địa bàn TP Thanh Hóa, phần lớn người lao động trong quá trình thi công không sử dụng bất cứ phương tiện bảo hộ lao động nào. Nhiều lao động làm việc ở độ cao 15 - 20m không có dây đai an toàn, mũ bảo hộ. Hệ thống giàn giáo được sử dụng bằng vài cây luồng, mấy tấm ván cốp pha và được chằng buộc bằng ít dây nhựa PVC. Thi thoảng mới có công trình xây dựng nhà ở dân sinh được đầu tư bộ giàn giáo bằng ống thép được kết nối chắc chắn bằng ốc vít. Thậm chí, có công trình xây dựng nằm sát mặt đường nhưng không được che chắn, người lao động cứ thản nhiên đứng từ trên tầng cao ném vật liệu xây dựng xuống mà không quan sát xem phía dưới có người hay không. Bản thân họ cũng chẳng trang bị cho mình bất cứ đồ bảo hộ lao động nào.

• Anh Nguyễn Văn Hùng, ở phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa là lao động tự do, tham gia một tổ thợ, chuyên đi làm tại các công trình xây dựng dân sinh, cho biết: Đi làm thợ xây đã gần 10 năm, qua 2 chủ thầu và tham gia xây dựng không biết bao nhiêu công trình nhà ở dân sinh. Người chủ thầu đầu không trang bị các phương tiện bảo hộ tối thiểu cho người lao động mà chỉ nhắc nhở anh em nhóm thợ tự trang sắm đồ bảo hộ lao động cho mình. Không ai mua cũng không ai sử dụng nhưng không thấy chủ thầu nhắc nhở hay yêu cầu, riết rồi thành quen, chẳng ai sử dụng đồ bảo hộ lúc làm việc. Chủ thầu thứ hai tuy có trang bị bảo hộ lao động cho người lao động, nhưng do vướng víu lúc làm việc nên không có ai sử dụng. Vì chủ quan, coi thường tính mạng của mình, mà anh Nguyễn Đình Nhu trước đây cùng trong tổ thợ bị ngã giàn giáo. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng do đầu va vào vật cứng nên chấn thương nặng, phải nghỉ việc. Hiện anh Nhu chỉ ở trong nhà, hưởng chế độ tàn tật 540.000 đồng/tháng.

• Cũng tham gia vào tổ thợ xây, chuyên đi làm tại các công trình nhà ở tư nhân. Song, chỉ vì một sơ suất nhỏ mà anh Nguyễn Văn Biên ở xã Định Tường (Yên Định) phải trả một cái giá quá đắt. Suốt 3 năm, kể từ khi bị ngã giàn giáo từ tầng 2 xuống khiến anh bị gãy xương sườn, xương sống lụn 1 đốt và phải trải qua 2 lần mổ, đến nay anh mới có thể đi lại được nhưng cũng chỉ quét được cái nhà giúp vợ. Anh Biên cho biết: Giá như mình cẩn trọng đeo dây đai bảo hộ lúc làm việc thì cuộc sống sẽ không tồi tệ như thế này. Từ trụ cột của gia đình, phút chốc trở thành người tàn phế, vô dụng. Thời điểm bị tai nạn, anh em tổ thợ cũng gom góp hỗ trợ anh được 3 triệu đồng, chủ nhà hỗ trợ 2 triệu đồng, nhưng chi phí chữa trị thuốc thang lên đến hàng chục triệu đồng, giờ lại không có thu nhập nên cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

►► Vẫn biết ngành nghề xây dựng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như mức độ nguy hiểm cao, nhưng vì miếng cơm, manh áo, nhiều người lao động đang hàng ngày hàng giờ đánh cược mạng sống trên những công trình xây dựng. Đã có người phải trả giá đắt cho sự chủ quan của mình. Để bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng, hằng năm, ngành lao động – thương binh và xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

♦ Tuy nhiên, trong năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Với những địa phương không phải giãn cách xã hội thì tập trung dồn lực phòng, chống dịch. Vì vậy, các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước thực tế trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu người sử dụng lao động, chủ thầu thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế; thường xuyên kiểm định an toàn đối với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động (mũ bảo hộ lao động, dây đai an toàn, giày dép, găng tay, quần áo bảo hộ lao động...). Thực hiện nghiêm túc quy chuẩn QCVN18:2014/BXD, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng. Mặt khác, sở tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng làm việc an toàn cho người sử dụng lao động và người lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là ở khu vực chủ thầu xây dựng, các công trình nhỏ lẻ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo rà soát, phòng ngừa và ngăn chặn những yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội tại 25 doanh nghiệp; tham gia cùng đoàn thanh tra của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật an toàn vệ sinh lao động tại 2 doanh nghiệp; kiểm tra việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra tại 12 doanh nghiệp. Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm và xử phạt hành chính 10 doanh nghiệp. Tổng số tiền thu phạt là 250 triệu đồng. Ngoài ra, sở còn tổ chức điều tra 36 vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2020 và 2021 để xem xét giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn xảy ra 19 vụ tai nạn lao động làm chết người 19 người, trong đó có 2 vụ xảy ra tại công trình xây dựng dân sinh khiến 2 người tử vong. Thực tế này cho thấy việc thực hiện các quy định về an toàn lao động tại các công trình xây dựng dân sinh vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại.

----------------------------------------

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966

AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH

Địa chỉ: Nhà số P11 – A21, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Email: atld.anbinh@gmail.com