1. Yêu cầu an toàn đối với xe nâng hàng:
- Yêu cầu về đăng ký sử dụng: Tất cả các loại xe nâng hàng với tải trọng từ 1.000kg trở lên bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký kiểm định theo quy định tại Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mới được phép đưa vào sử dụng, vận hành.
- Yêu cầu về quản lý sử dụng: Doanh nghiệp sử dụng các loại xe nâng hàng với tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên bắt buộc phải tuân thủ về quản lý sử dụng theo QCVN 25: 2015/BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội banh hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ có tải trọng từ 1.000kg trở lên. Ngoài ra, tùy theo các điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp mà ban hành các quy định về quản lý sử dụng xe nâng hàng nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn do nhà nước quy định.
2. Yêu cầu an toàn đối với người vận hành:
- Yêu cầu chung: Công nhân vận hành xe nâng hàng phải đủ các điều kiện sau:
+ Đủ độ tuổi lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động.
+ Có sức khỏe tốt và được công nhận bởi cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
+ Phải được huấn luyện về an toàn lao động và có Thẻ an toàn lao động mới được phép vận hành xe nâng hàng.
+ Công nhân vận hành xe nâng hàng phải nắm chắc đặc tính kỹ thuật, tính năng tác dụng của các bộ phận cơ cấu của thiết bị, đồng thời nắm vững các yêu cầu về an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị.
+ Phải tuyệt đối tuân thủ các nội quy an toàn lao động của đơn vị (doanh nghiệp) đã ban hành tại các vị trí làm việc.
- Yêu cầu an toàn trước khi vận hành:
+ Sử dụng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đúng chủng loại: Quần áo, giầy, mũ, găng tay… Chỉnh đốn quần áo lao động gọn gàng, không để quần áo xộc xệch, cổ tay áo gài lại vuốt gọn tóc vào trong mũ.
+ Người vận hành phải biết rõ nhiệm vụ công tác, đặc điểm của tải trọng, sau đó phải lập các phương án đảm bảo an toàn về các phương pháp xếp, dỡ tải (nhất là loại tải trọng mới, độc hại và dễ sinh cháy nổ). Sau đó lựa chọn và kiểm tra các loại dụng cụ phục vụ công việc cần thiết để đáp ứng cho công việc.
+ Xem xét, kiểm tra toàn bộ tình trạng kỹ thuật của thiết bị, kiểm tra các chi tiết và các cụm chi tiết cơ bản: Còi, tín hiệu cảnh báo an toàn, phanh, gương chiếu hậu…
+ Kiểm tra, xác định vị trí nâng - hạ tải và đường đi di chuyển từ lúc nâng tải tới nơi hạ tải…
+ Kiểm tra ánh sáng nơi làm việc.
+ Kiểm tra, xác định chính xác trọng lượng của tải trọng nâng để đưa ra phương án làm việc an toàn.
- Yêu cầu an toàn trong khi vận hành:
+ Trong lúc làm việc cần tập trung tư tưởng làm tròn trách nhiệm của mình, phải tuyệt đối tuân thủ theo các phương án làm việc an toàn đã đề ra.
+ Trước khi nâng, hạ, di chuyển tải trọng phải dùng tín hiệu đã quy định báo cho người làm việc xung quanh biết.
+ Tuyệt đối không được phép nâng quá tải trọng cho phép của xe nâng hàng.
+ Khi nâng vật nâng với tải trọng xấp xỉ tải trọng nâng cho phép, phải nâng thử tải lên độ cao khoảng từ 100mm → 200mm so với mặt sàn làm việc để xem các chi tiết như: Phanh, càng nâng, khung nâng… có vấn đề gì hay không? Nếu tốt thì mới được tiếp tục thực hiện việc nâng và di chuyển tải.
+ Luôn quan sát về hướng xe chạy, không sử dụng gương chiếu hậu khi lùi xe (gương chiếu hậu sử dụng cho người vận hành quan sát phía sau khi xe tiến).
+ Tuyệt đối không được phép chở người trên cabin người lái hoặc đứng trên càng nâng, hạ.
+ Sử dụng tốc độ an toàn được quy định tại nơi làm việc, tránh việc phanh dừng đột ngột khi đang di chuyên nâng hàng.
+ Di chuyển bên phải đi trong làn đường phạm vi xe nâng được phép di chuyển. Lưu ý các vị trí giao nhau trong nhà xưởng và nên ưu tiên cho người đi bộ trong nhà xưởng đồng thời phát ra các tín hiệu cảnh báo để người đi bộ được biết.
+ Khi có hàng trên xe lên và xuống dốc phải chú ý: Khi có hàng trên xe đi lên dốc phải đi tiến, khi có hàng trên xe đi xuống dốc phải đi lùi.
- Yêu cầu an toàn sau khi vận hành:
+ Sau khi thực hiện xong ca làm việc, lái xe về vị trí quy định và tắt máy. Các thiết bị phục vụ công việc kèm theo phải thu dọn, cất giữ vào đúng vị trí đã được quy định.
+ Dọn dẹp sạch sẽ nơi làm việc trong phạm vi được giao của người lao động.
+ Xem xét lại toàn bộ quá trình thực hiện trong ca làm việc của mình và ghi chép rõ ràng tình trạng kỹ thuật của máy trục vào sổ giao ca (kể cả các đề xuất yêu cầu đối với nhà quản lý cần đáp ứng, thực hiện).
3. Yêu cầu an toàn đối với mặt bằng làm việc:
+ Nơi làm việc phải có các nội quy quy định về an toàn chung và nội quy quy định an toàn riêng về vận hành xe nâng hàng, để căn cứ, bắt buộc người vận hành và các đối tượng liên quan phải thực hiện.
+ Đơn vị sử dụng xe nâng hàng phải xây dựng các biển báo an toàn và treo ở các vị trí dễ quan sát để người lao động áp dụng thực hiện.
+ Nơi làm việc phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn do Nhà nước quy định như: Bụi, rung, ồn, ánh sáng… nằm trong giới hạn đảm bảo an toàn cho phép.
+ Phải có phương án về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Cũng như các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Nhà nước.
+ Phải có kế hoạch ứng cứu khẩn cấp xử lý khi xảy ra các sự cố tai nạn nhằm đảm bảo tính mạng của người lao động và tài sản của đơn vị.
Xe nâng hàng là một thiết bị làm việc được pháp luật lao động Việt Nam quy định là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Do vậy, doanh nghiệp và người lao động khi sử dụng vận hành phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu cơ bản được nêu ở trên.
----------------------------------------
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966
AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH
Địa chỉ: Nhà số P11 – A21, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Email: atld.anbinh@gmail.com