1. "Trước khi Covid -19 ập đến, nhân loại có thực sự đang không có những khủng hoảng sẵn có của nó hay không?"

♦ Ngay từ trước khi có dịch, chúng ta đã có sự khủng hoảng về môi trường, khi hàng trăm triệu chiếc ô tô công suất lớn hút cạn nhiên liệu hoá thạch và thải ra khí nhà kính chỉ để chở một người tới công sở thực hiện những công việc vốn hoàn toàn có thể làm ở nhà, và những dòng sông ô nhiễm không còn cá bơi.

♦ Chúng ta cũng có sự khủng hoảng chủ nghĩa tiêu dùng, khi người ta mua sắm nhiều tới mức không biết phải vứt chúng đi như thế nào nữa.

♦ Cuộc khủng hoảng này, thực ra mới chính là nguyên nhân sâu xa của hầu hết các cuộc khủng hoảng khác. Nó khiến chúng ta đánh giá giá trị bạn bè bằng tốc độ cập nhật phiên bản iPhone, đong đếm tình thương của người thân bằng mệnh giá phong bao lì xì, vay mượn mua sắm những thứ hào nhoáng vô dụng, tạo ra những hệ luỵ rất lớn cho môi trường, xã hội, hay hẹp hơn là hệ thống tài chính, tín dụng quốc gia.

2. Dịch bệnh Covid - 19 ập đến như cơn thuỷ triều quét sạch những thứ phù phiếm đó.

► Không ai chết vì 3 tháng không ăn phở, 12 tháng không du lịch hay 2 năm không lên đời điện thoại. Với mức sống tối thiểu những ngày qua, rất nhiều niềm vui và giá trị mới đã nhanh chóng được tạo ra.

♦ Có lẽ theo một góc độ nào đó, đây mới chính là cái cuộc sống đúng nhất, đáng vươn tới nhất, mà nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta mới hiểu trước đại dịch, nhiều người trong chúng ta đã sống sai như thế nào.

► Động thái tháo bỏ những hạn chế gần đây để phục hồi các hoạt động kinh tế, nên được coi là cơ hội để chúng ta cân bằng được giữa hai sự bình thường cũ và mới.

♦ Việc đi làm để có thu nhập là cần thiết, nhưng la cà bia bọt sau giờ tan ca so với bỏ thời gian đó chơi với con cái, là không đáng để đánh đổi. Một bát phở ngon buổi sáng là xứng đáng, nhưng nếu có thể mua về để cả gia đình quây quần bên nhau thay vì tập trung đông đúc trong quán xá, có lẽ mới là giải pháp trọn vẹn hơn.

♦ Chưa kể, chúng ta vẫn đang trong quá trình mò mẫm, học cách thích nghi an toàn với dịch, nguy cơ bùng phát vẫn còn rất lớn. Nếu điều không may xảy ra, chúng ta rất có thể sẽ mất nốt cả những niềm hạnh phúc bên gia đình nữa, như hơn 2 vạn đồng bào xấu số vừa qua.

♦ Đừng vứt bỏ đi những thú vui, nhưng hãy chọn những niềm vui an toàn và có ý nghĩa, ở cạnh những người mình yêu thương, đầy đủ 5K và trong không gian thoáng, rộng rãi nhất có thể.

♦ Mở lại các hoạt động kinh tế dù nguy cơ dịch còn hiện hữu, chắc chắn là một quyết định rất khó khăn. Nhưng việc lựa chọn cách tham gia vào tiến trình đó sao cho vừa đóng góp cho lưu thông kinh tế, vừa tạo ra niềm vui, nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn nhất cho cộng đồng, cho chính gia đình và bản thân nữa, thì lại rất dễ dàng.

♦ Kiến thức phòng dịch đã được phổ cập toàn dân, và làm được đến đâu, hoàn toàn là do ý thức của từng cá nhân.

♦ "Cuộc khủng hoảng DotCom" từng rung chuyển thế giới, nhưng đã để lại hạ tầng internet vĩ đại ngày nay. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng Covid này, bằng cách nào đó khi nó qua đi, cũng sẽ để lại một xã hội hài hoà và đáng sống hơn cho con cháu của chúng ta tận muôn đời sau nữa.

----------------------------------------

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966

AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH

Địa chỉ: Nhà số P11 – A21, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Email: atld.anbinh@gmail.com