►►NGUYÊN TẮC VÀ MỤC TIÊU ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÀN ĐỔ CẤP DOANH NGHIỆP

+ Để xử lý tốt những vụ tràn đổ hóa chất quy mô nhỏ,  doanh nghiệp cần phải nắm rõ nguyên tắc và mục tiêu của ứng phó sự cố hóa chất.

Có 4 nguyên tắc ứng phó sự cố hóa chất:

  1. Nguyên tắc dự phòng: Giai đoạn chuẩn bị, đánh giá nguy cơ, lập phương án ứng phó sự cố có thể xảy ra, huấn luyện nhân viên – diễn tập hiện trường.
  2. Nguyên tắc giảm nhẹ: Quá trình xử lý nhanh khi xảy ra sự cố, ngăn ngừa tràn đổ và phát tán để sự cố không trở nên nghiêm trọng hơn (thảm họa).
  3. Nguyên tắc ứng phó: Huy động các lực lượng ứng phó khẩn cấp cần thiết, gồm lực lượng ứng phó tại chỗ hoặc có thể huy động lực lượng ứng phó bên ngoài (cơ quan cứu nạn cứu hộ
  4. Nguyên tắc phục hồi: Khôi phục lại ảnh hưởng (ít nhất), trở lại trạng thái hồi phục như ban đầu.

+ Có 3 mục tiêu ứng phó sự cố hóa chất:

• Giảm thiểu tối đa hậu quả của sự cố đối với: con người, môi trường và tài sản.

• Ngăn chặn được sự lan rộng của quy mô sự cố.

• Giảm thiểu chi phí xử lý trực tiếp và gián tiếp                                                                                                         

►► GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÀN ĐỔ CÂP DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp cần thực hiện các bước:

Bước 1: Nhận biết các mối nguy hiểm của tất cả hóa chất có nguy cơ bị tràn đổ: tính dễ cháy, phản ứng với không khí hoặc nước, ăn mòn và độc tính cao.

Bước 2: Viết quy trình ứng phó sự cố tràn đổ, phải bao gồm các yếu tố như: Danh sách quần áo, thiết bị bảo hộ thích hợp, thiết bị an toàn và vật liệu thu gom cần thiết để dọn dẹp tràn đổ (găng tay, mặt nạ phòng độc, v.v.) và cách sử dụng hợp lý; Các khu vực và quy trình sơ tán thích hợp; Sự sẵn có của thiết bị chữa cháy; Thùng đựng vật liệu dọn dẹp tràn đổ; Các bước sơ cấp cứu có thể được yêu cầu.

Bước 3: Chuẩn bị các thiết bị và dụng cụ sẵn sàng: Chủng loại và số lượng các thiết bị/dụng cụ an toàn; Vị trí đặt các thiết bị/dụng cụ an toàn; Thường xuyên kiểm tra các thiết bị an toàn để đảm bảo chúng luôn ở trong tình trạng tốt khi sử dụng

►► GIAI ĐOẠN SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÀN ĐỔ XẢY RA

Doanh nghiệp cần thực hiện các bước:

Bước 1: Trao đổi thông tin và xác định rủi ro, số lượng và tác động

1. Đánh giá rủi ro

– Ảnh hưởng sức khỏe con người: Nguy cơ cháy hoặc nổ khi có một hoặc nhiều yếu tố: hóa chất dễ bay hơi, hóa chất phản ứng với nước hoặc không khí, nguồn đánh lửa, chất oxy hóa và lượng đáng kể các vật liệu dễ cháy. Khả năng lan truyền và xâm nhập vào cơ thể.

– Các mối đe dọa môi trường: Nguy cơ hóa chất có thể phát thải vào không khí, hệ thống thoát nước hoặc rò rỉ trực tiếp vào đất hoặc nước mặt.

– Thiệt hại vật chất đối với tài sản: Bao gồm thiết bị, tài sản cố định, các loại vật liệu/dụng cụ được sử dụng để dọn dẹp…

2. Đánh giá số lượng: Số lượng người lao động có mặt trong khu vực bị ảnh hưởng; Số lượng nhân viên được đào tạo tham gia ứng phó; Sự sẵn có của các vật liệu kiểm soát sự cố tràn; Sự sẵn có của thiết bị bảo vệ cá nhân và cách bố trí thiết bị có thể bị ảnh hưởng.

3. Đánh giá tác động tiềm ẩn: Khả năng hơi hoặc bụi nguy hiểm có thể xâm nhập vào hệ thống thông gió của tòa nhà và được khuếch tán sang các khu vực khác; Khả năng chất lỏng bị đổ có thể chảy sang các khu vực khác, do đó làm tăng nguy cơ gây hại (chẳng hạn như tiếp cận nguồn đánh lửa, làm hỏng thiết bị); Sự có mặt của các hóa chất tương thích…

Mục đích của bước trao đổi thông tin là xác định khả năng ứng phó tại chỗ của doanh nghiệp có đáp ứng được không.

Bước 2: Xử lý sự cố

1. Ngăn chặn sự lây lan của bụi và hơi: tăng cường thông gió để phát tán hơi hoặc đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của bụi và hơi sang các khu vực khác.

Nếu  hóa chất lỏng dễ cháy khi bị đổ ra sàn nhà, lập tức loại bỏ tất cả các nguồn có khả năng gây cháy như ngọn lửa trần, công tắc điện, động cơ hở.

2. Kiểm soát sự lan truyền của chất lỏng: Triển khai các rào cản vật lý như đê hoặc phao thấm xung quanh vùng hóa chất tràn để hạn chế tối đa hóa chất tràn vào nguồn nước, cống nước thải sinh hoạt hoặc lan sang các khu vực khác.

3. Sử dụng chất thấm để khoanh vùng vũng hóa chất, đổ/rắc chất thấm, bắt đầu từ mép ngoài của vũng hóa chất vào đến giữa. Sử dụng các vật liệu thấm hút như cát, vermiculite hoặc gối thấm chất lỏng. Trong trường hợp hóa chất đặc biệt, cần có chất hấp thụ chuyên dụng. Doanh nghiệp phải tham khảo các hướng dẫn thu gom khi tràn đổ hóa chất trong Phiếu An toàn Hóa chất (MSDS/SDS)

4. Thu gom chất thải: chất thấm và hóa chất, gối thấm, tấm thấm và phao quây sau đó phải được thu gom và chứa trong túi chứa rác thải nguy hại, ghi rõ ngày thải bỏ và tên hóa chất và lưu trữ tại nơi chứa rác thải nguy hại theo đúng quy định trong thời gian chờ xử lý

5. Vệ sinh: Cuối cùng, tất cả các thiết bị bảo vệ cá nhân và các dụng cụ thu gom phải được vệ sinh đúng cách và tái sử dụng cho những lần sau.

---------------------------------------

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966

AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH

Địa chỉ: Nhà số 7, Ngõ 48 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, TP. Hà Nội

Email: atld.anbinh@gmail.com