Thế giới hiện có hơn 540 triệu người lao động trẻ (15-24 tuổi), trong đó gồm 37 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ chiếm hơn 15% lực lượng lao động và có nguy cơ cao phải chịu các tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với những người trên 25 tuổi

Đây là khảo sát được công bố tại Diễn đàn đối thoại “Vì một thế hệ lao động an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động trẻ”. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại VN tổ chức chiều 16/4 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những cảnh báo tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có đông lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn.

Số vụ tai nạn trên được thống kê trong cả 2 khu vực: Có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động (lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 898 vụ và làm 928 người chết.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho lao động trẻ, nhưng theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), lĩnh vực an toàn lao động còn gặp nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tai nạn lao động nói chung và trong lao động trẻ nói riêng, như: Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh lao động của lao động trẻ…

“Do vậy, việc cần thiết hiện nay là nâng cao nhận thức cho lao động trẻ, đặc biệt trong nông nghiệp. Qua đó nhằm giúp họ hiểu sâu hơn về các khái niệm về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cơ bản, ngoài việc sử dụng các thiết bị an toàn” - ông Hà Tất Thắng nói.

Ông Hà Tất Thắng lưu ý, việc đào tạo và thông tin cho lao động trẻ cần chú trọng vào hậu quả tiêu cực của các sự cố từ an toàn lao động cũng như hướng dẫn về các yêu cầu để có an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tốt hơn.

Đồng quan điểm với ông Hà Tất Thắng, bà Valentine - Đại diện Dự án An toàn và Sức khỏe cho Lao động trẻ (ILO) - đề xuất: “Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần lồng ghép an toàn sức khỏe nghề nghiệp vào giáo dục. Trong đó xây dựng và thực hiện tại tất cả cấp giáo dục nhằm thúc đẩy văn hóa phòng ngừa, quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động”.

Cũng theo chuyên gia ILO, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý việc trao dồi các kỹ năng nhận biết, loại bỏ và kiểm soát mối nguy và rủi ro cho lao động trẻ tại Việt Nam.

Nguồn : http://bit.ly/2wI1nd1