Nền nhiệt ngoài trời khu vực Hà Nội thường xuyên chạm mức 40 độ C, gây không ít khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân. Những ngày nắng nóng, trong khi bao người tìm chỗ mát, ngồi điều hòa để "trốn" nắng thì vẫn còn những người đang tần tảo mưu sinh vì gánh nặng cuộc sống. Làm việc thường xuyên trong môi trường nhiệt độ không đảm bảo sẽ gây ra mối nguy hại lớn cho sức khỏe và có thể gặp biến chứng khó lườn

 

Những ngày đầu tháng 5, khi Trung tâm Dự báo thời tiết liên tục đưa những bản tin cảnh báo người dân phải chú ý khi làm việc dưới nền nhiệt độ tăng cao hoặc thận trọng với cơn mưa bất chợt kèm giông lốc, cũng là lúc người lao động tất bật đi làm trở lại sau một thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19.

Anh Trần Văn Dũng, shiper chuyên giao đồ ăn tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Trong ngày nắng nóng, nhu cầu giao hàng tận nơi tăng lên đột biến, nhất là tầm buổi trưa và đầu giờ chiều vì ai cũng ngại ra đường. Tuy thu nhập có cao hơn bình thường nhưng đổi lại, những người lao động như anh cứ phải phơi mình dưới trời nắng, nhiệt độ cao nhiều lúc khiến anh chịu không nổi, mặt bỏng rát, mồ hôi đổ ra như tắm, lúc nào cũng khát nước. Rất nhiều đồng nghiệp đã bị say nắng vì sốc nhiệt, không chịu nổi thời tiết nóng bức.

Giơ chiếc khăn mặt thấm đẫm mồ hôi, ông Trần Trọng Thi, 45 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ: Đặc thù nghề xe ôm là hoạt động chuyên ngoài trời, trong khi thời tiết mùa hè rất thất thường, lúc nắng nóng gia tăng, khi lại bất chợt mưa tầm tã. Nhiều hôm, ông không chịu được, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt vì không thích nghi được với khí hậu thất thường. Những ngày này, khách rất vắng, chủ yếu là giao nhận hàng hoá vì ai cũng ngại ra đường. Để thích nghi với điều kiện làm việc, ông thường dậy sớm đi đón khách từ 6 giờ sáng đến 10 giờ. Còn buổi trưa nắng nóng, ông không thể ra ngoài được vì mặt đường bỏng rát, phải đến chiều tối mới tranh thủ đi làm lại đến quá khuya.

Nhiệt độ tăng cao cũng là nỗi ám ảnh của người bán hàng rong, thu mua ve chai, tài xế xích-lô hay công nhân xây dựng… Điểm chung của những nghề này đó là người lao động phải ở ngoài trời trong thời gian rất dài. Vì cuộc sống mưu sinh, họ làm việc quần quật dưới thời tiết oi bức, điều kiện không đảm bảo, chỉ mong kiếm được đồng lương lo cho cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Nga (phường Khương Trung, Thanh Xuân) là công nhân môi trường kể: “Thời tiết oi bức, ngày nào cũng phải mặc quần áo lao động kín mít, lại tiếp xúc với rác thải, mùi rất khó chịu. Nếu như vào ngày trời nắng, tưởng chừng như không thể làm việc được quá lâu, lao động trong môi trường không đảm bảo khiến sức khoẻ của cô bị ảnh hưởng, thường xuyên đau ốm”. Công việc nặng nhọc, cứ làm được một lúc cô phải tìm bóng mát của cây để ngồi nghỉ lấy sức.

muu sinh duoi troi nang nong can su dung do bao ho ca nhan phu hop
Các shiper giao hàng cố gắng "mưu sinh" dưới thời tiết oi bức, nhiệt độ cao.

Theo bác sĩ Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai: "Với những người lao động tự do phải làm việc thường xuyên ngoài trời, cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Đặc biệt, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc".

Nếu có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều,… phải lập tức ngừng làm việc, tìm ngay nơi mát mẻ, thoáng gió, uống nước mát và nghỉ ngơi. Các trường hợp nặng phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh đó, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là hết sức cần thiết. Thay vì uống nước lọc, có thể bổ sung các loại nước chứa muối và khoáng chất hoặc nước pha Oresol (thuốc bù nước-chất điện giải bằng đường). Nếu không có oresol, có thể chế bằng cách cho thêm vào nước trắng một chút đường và một chút muối (khoảng 5g muối tinh và 20g đường hòa tan cho 1 lít nước trắng) để bù nước và điện giải hiệu quả.

Trong những ngày nắng nóng, người lao động cần bổ sung nước cho cơ thể từ 2,5-3 lít/ngày. Đặc biệt, khi bị say nắng, say nóng, nạn nhân tăng thân nhiệt dẫn đến đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không bổ sung nước sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải và có thể tử vong.

Những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Với người lao động, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” lúc nào cũng đè nặng lên vai, chính vì vậy mà họ luôn cố gắng miệt mài làm việc ngay cả trong môi trường không đảm bảo. Chú trọng giữ gìn sức khoẻ cho bản thân, nghỉ ngơi ăn uống điều độ là một trong những cách tránh rủi ro ngoài ý muốn khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng.

Nguồn: cuocsongantoan.vn