►Thực trạng nhận thức của công nhân về ATVSLĐ
- Đánh giá chung cho thấy, về cơ bản, đại đa số công nhân được khảo sát đều có nhận thức tích cực về ATVSLĐ tại nơi làm việc (ĐTB=4,06/5,00; ĐLC=0,53). Tính theo tỉ lệ phần trăm, có 88,9% công nhân đồng tình ở các mức độ khác nhau với nhận định “Làm việc an toàn cũng quan trọng như việc đảm bảo chất lượng công việc và hoàn thành công việc đúng giờ”. Kết quả này cho thấy, công nhân đánh giá rất cao tính an toàn trong quá trình lao động; tiến độ hoàn thành công việc dù được đảm bảo, thậm chí đẩy nhanh tiến độ hoàn thành song tính an toàn phải tỉ lệ thuận với tiến độ đó. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, việc chạy theo tiến độ hoàn thành sản phẩm và khối lượng sản xuất mà các nhà quản lý đã lơ là, thiếu quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ, từ đó dẫn đến tai nạn lao động và nhiều hậu quả đáng tiếc khác.
- Bên cạnh đó, công nhân cũng cho rằng, người lao động và người quản lý có thể cùng trao đổi để đảm bảo môi trường làm việc an toàn nhất (87,6%). Rõ ràng, hoạt động đối thoại, trao đổi giữa nhà quản lý và người lao động là rất quan trọng. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong công tác đảm bảo ATVSLĐ. Ở góc độ nhà quản lý, việc cần làm là thường xuyên và liên tục theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ gây mất an toàn ATVSLĐ. Ở góc độ người lao động, kịp thời báo cáo với cấp trên và người phụ trách về những nguy cơ mất ATVSLĐ trong quá trình làm việc, mạnh dạn có ý kiến và thậm chí là đề xuất phương án giải quyết đối với cấp trên.
- Cũng ghi nhận từ kết quả khảo sát, 85,7% công nhân đồng tình (trong đó 23,3% hoàn toàn đồng tình) với việc “những người chịu trách nhiệm về đảm bảo ATVSLĐ cho phép công nhân có thể thực hiện những thay đổi mà họ cho là cần thiết”. Khi điều này được thực hiện, chính là lúc người công nhân đã nhận thức được vai trò của bản thân mình cũng như có trách nhiệm với quy trình sản xuất, kinh doanh mà mình đang tham gia. Việc tự ý thức về trách nhiệm của mỗi bên đối với công tác đảm bảo ATVSLĐ là vô cùng có ý nghĩa. Và càng ý nghĩa hơn khi hai bên có sự trao đổi, bàn bạc để cùng đi đến thống nhất phương án đảm bảo cao nhất ATVSLĐ.
- Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, 84,1% công nhân tham gia khảo sát nhận thức rằng, việc “ đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình làm việc là rất quan trọng”. Kết quả này một lần nữa khẳng định nhận thức của phần lớn công nhân về ATVSLĐ là khá tích cực. Từ nhận thức đúng đắn, tích cực của công nhân, chúng ta kỳ vọng bản thân mỗi người công nhân trong quá trình lao động sẽ tự giác chấp hành nghiêm ngặt những quy định đảm bảo ATVSLĐ nhằm tiến tới giảm thiểu tối đa nguy cơ về mất ATVSLĐ hay nguy cơ về tai nạn lao động. Bởi, chỉ khi ý thức của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ được chuyển hóa thành hành vi, thì các vụ tai nạn lao động mới được giảm thiểu tối đa.
- So sánh nhận thức về ATVSLĐ của công nhân giữa các lĩnh vực ngành nghề sản xuất cho thấy, những công nhân làm việc trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử có nhận thức về ATVSLĐ cao hơn những công nhân trong các ngành nghề khác như: cơ khí, luyện kim; chế biến thực phẩm; may giày da… Kết quả này cho thấy, dường như tại những ngành nghề yêu cầu tính chính xác cao, hiện đại, hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất phúc tạp như lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí… thì nhận thức của công nhân lại càng cao. Điều này là khá logic bởi khi tính chất ngành nghề sản xuất có yêu cầu càng cao thì bản thân người công nhân phải có sự tập trung cao độ hơn và yêu cầu về tính ATVSLĐ cũng sẽ cao hơn.
►Kết luận
Từ những kết quả nêu trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của công nhân cũng như nhằm nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ATVSLĐ tại Các khu công nghiệp, cụ thể:
- Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn thực hành đảm bảo công tác ATVSLĐ cho công nhân và nhà quản lý. Cập nhật thường xuyên những chính sách mới về đảm bảo ATVSLĐ cho công nhân được biết.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các nhà máy, phân xưởng để kịp thời phát hiện những nguy cơ rủi ro, nguy hiểm đe dọa đến sức khoẻ của công nhân cũng như đe dọa đến cơ sở vật chất của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với công nhân để kịp thời lắng nghe ý kiến phản ánh của công nhân về công tác đảm bảo ATVSLĐ. Trao quyền và tính tự chủ nhất định cho người lao động để họ có thể ra quyết định cũng như điều chỉnh những sự thay đổi trong sản xuất mà họ cho là cần thiết nhằm kịp thời đảm bảo công tác ATVSLĐ.
- Có các biện pháp khuyến khích, khích lệ công nhân tăng cường ý thức trách nhiệm của mình đối với công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với nhà quản lý cũng như người công nhân có những vi phạm nghiêm trọng đến công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các doanh nghiệp.
----------------------------------------
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966
AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH
Địa chỉ: Nhà số P11 – A21, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Email: atld.anbinh@gmail.com