Chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018, diễn ra trong tháng 5, được xác định là “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Do đó, các hoạt động diễn ra trong Tháng hành động trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này để kiểm soát nguy cơ, hạn chế tai nạn.

Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ sẽ giúp người lao động tránh được rủi ro tai nạn trong quá trình sản xuất. Ảnh: Nhật Nam

Trả giá bằng tính mạng, tài sản

Mặc dù được nhắc nhở, cảnh báo liên tục, nhưng hiện nay đa số người lao động, người sử dụng lao động vẫn chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy điều đó không khó bắt gặp tại các xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội).

Chẳng hạn như tại hộ anh Lê Duy Hoàn, ở thôn Nhị Khê, hằng ngày các thành viên trong gia đình vẫn mặc quần áo thông thường, đi dép, dùng tay trần đưa gỗ vào máy tiện, máy cắt để chế tác các sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách. “Biết là nguy hiểm, nhưng làm mãi thành quen, chẳng mấy thợ tại các làng nghề sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Hơn nữa, các hộ dân trong xã làm nghề thường tận dụng không gian nhà ở để sản xuất, diện tích chật chội, rất khó bố trí phương tiện, thiết bị phòng, chống cháy nổ, xử lý khói bụi, hóa chất, tiếng ồn”, anh Hoàn phân trần. Ngoài xã Nhị Khê, trên địa bàn huyện Thường Tín còn có hơn 40 làng nghề truyền thống và nhiều cụm, điểm công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Tín cho biết, sự chủ quan, lơ là của người lao động, người sử dụng lao động có thể khiến họ phải trả giá bằng tính mạng, tài sản. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại Công ty cổ phần Thép Việt Hàn, Cụm công nghiệp Quất Động, xã Quất Động (Thường Tín) xảy ra vụ nổ lò sản xuất thép làm hai người bị thương nặng. Điều đáng nói, tai nạn lao động từng xảy ra ở công ty này một vài lần, từng gây chết người, nhưng vấn đề bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động vẫn chưa được quan tâm, khắc phục. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Thường Tín đã xảy ra 7 vụ tai nạn lao động, làm 3 người chết, 11 người bị thương.

Tại những địa phương tập trung nhiều điểm công nghiệp, làng nghề, công trình xây dựng như quận Nam Từ Liêm, các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất… tai nạn lao động vẫn xảy ra trong thời gian gần đây. Điển hình là sự cố phóng điện xảy ra tại Công ty Điện lực Mỹ Đức, làm 3 người chết, một người bị thương nặng; vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ dành cho xe ô tô, thuộc phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) khiến 3 người chết, 3 người bị thương.

Được biết, trong năm 2017, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 254 vụ tai nạn lao động, tăng 149 vụ so với năm 2016, làm 269 người chết và bị thương. Trên phạm vi cả nước, tình trạng tai nạn lao động cũng có xu hướng gia tăng.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng tai nạn lao động chưa được cải thiện. Đáng lưu ý là số vụ tai nạn trong nhóm lao động trẻ cao hơn 40% so với nhóm lao động từ 25 tuổi trở lên. Trên thực tế, số vụ tai nạn có thể lớn hơn nhiều con số được công bố, vì mới có khoảng 6% doanh nghiệp chủ động báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Cần nâng cao ý thức trách nhiệm

Ngành Xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Ảnh: Mạnh Dũng

Để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cùng với công tác tuyên truyền, trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm nay, các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực thi chính sách pháp luật về an toàn lao động trên diện rộng. Nổi bật là chiến dịch thanh tra lao động với sự tham gia của nhiều ngành, địa phương. “Trong chiến dịch này, lực lượng thanh tra liên ngành sẽ kiểm tra khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản ở tất cả các tỉnh, thành phố” - ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương tổ chức các diễn đàn đối thoại với lao động trẻ về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; thăm hỏi, tặng quà một số công nhân bị tai nạn lao động, mắc các bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn; mở nhiều lớp tập huấn về nâng cao an toàn, vệ sinh lao động… Đặc biệt, hội thảo quốc tế bàn giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24 và 25-5.

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018, sau lễ phát động cấp thành phố, các ngành, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả tại cơ sở. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động; đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ… Bên cạnh đó, hai đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động ở một số cơ sở để xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trước những "khoảng trống" về an toàn, vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp hiện nay, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền hay thanh tra, kiểm tra chỉ là những giải pháp tình thế. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, điều quan trọng là cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ, ý thức trách nhiệm đúng đắn với chính bản thân, gia đình và xã hội.

Ngày 5-5, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa), làm một người thiệt mạng. Nạn nhân là Bùi Xuân Hải, thợ lái máy xúc, sinh năm 1992, trú tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Anh Hải là người làm thuê cho một đơn vị được thuê bốc xúc đá ở khai trường, không phải là công nhân của Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do việc khai thác đá không đúng quy trình kỹ thuật, khiến đá từ trên núi bị sạt lở, rơi trúng máy xúc do anh Hải điều khiển.

 

Nguồn: http://vnniosh.vn/Details/id/7730/Phong-ngua-tai-nan-lao-dong-va-benh-nghe-nghiep-Nhan-thuc-tang-len-rui-ro-se-giam?fbclid=IwAR0gwbYpVGmcDqMbEFkWfsVsYYTbAXwwIgPLd9UkVn5-YXOuVdc-JnTXKDo