► Năm 2021, trong khó khăn chung, công nhân, người lao động ở TPHCM là một trong những nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất. Bởi khi giãn cách xã hội kéo dài, đây là những người phải mất việc làm, giảm hoặc không còn thu nhập, trong khi phần nhiều không có tích lũy, lại phải ở nhà thuê… nên áp lực cuộc sống rất lớn. Những tháng cuối năm, khi thành phố vào trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục nhưng chưa hoàn toàn, vẫn còn nhiều người mất việc hoặc phải làm những công việc tạm, thu nhập chưa ổn định. Một số khác còn phải giải quyết các “hậu quả” trong thời gian giãn cách như nợ tiền nhà, vay mượn để mưu sinh tạm thời… nên tiếp tục có những áp lực khác.

-  Hiện nay, Tết Nguyên đán đã đến rất gần. Như đông đảo người dân, nhiều công nhân, lao động lại tiếp tục có những áp lực khác, đó là chuẩn bị đón tết với nhiều khoản chi tiêu không nhỏ, như về quê, sửa chữa nhà cửa, mua sắm các thứ để đón tết, biếu tặng người thân… Ngoài ra, tâm lý “nhìn ngó” mọi người đón tết thế nào cũng góp phần tăng thêm áp lực cho một số người chưa đủ điều kiện, khi có sự so sánh, thậm chí so bì với nhau…

- Trong bối cảnh đó, càng cần phải quan tâm, chăm lo tốt hơn cho công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Trách nhiệm này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là với chính quyền địa phương, MTTQ, tổ chức công đoàn và chủ các doanh nghiệp.

- Trước hết, cần nắm chắc tình hình các công nhân, người lao động ở từng địa bàn, từng doanh nghiệp. Địa phương cần biết ở phường, quận mình hiện có bao nhiêu công nhân, người lao động (nhất là số đang làm việc cho các doanh nghiệp ngay trên địa bàn), điều kiện cụ thể ra sao (như mức độ ổn định của công việc, thu nhập, khả năng trang trải cuộc sống, có nhu cầu về quê ăn tết không…), các biểu hiện về tâm trạng (có yên tâm làm việc không, có bức xúc về vấn đề gì không…), khả năng chăm lo của các doanh nghiệp với từng trường hợp cụ thể ra sao… Trên cơ sở đó cần nghiên cứu các hình thức hỗ trợ hợp lý, trong điều kiện cho phép, với tinh thần bảo đảm yếu tố động viên về mặt tình cảm nhưng có chăm lo chu đáo về mặt vật chất. Đồng thời, cần tác động đến nhận thức, ý thức để mọi người chia sẻ khó khăn chung của doanh nghiệp và xã hội trong bối cảnh hiện nay.

- Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy việc thực hiện đúng quy định về lao động của các chủ doanh nghiệp để tránh tạo ra sự bức xúc, phản ứng trong công nhân. Chẳng hạn, việc giải quyết các chế độ về lương, thưởng, tăng ca, hỗ trợ mất sức/ốm/thai sản, bồi thường tai nạn lao động, nghỉ việc… có đúng quy định của pháp luật không, có hiện tượng gian dối hay xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động không, có các hình thức vi phạm pháp luật khác không (như về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ…). Kể cả việc nỗ lực chăm lo người lao động của doanh nghiệp trong tương quan với điều kiện sản xuất, kinh doanh cũng là một yếu tố đáng chú ý; bởi nếu đã phục hồi tốt nhưng viện khó khăn chung mà quan tâm nhỏ giọt thì rất đáng trách; ngược lại, dù còn nhiều bất ổn nhưng sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với công nhân thì cần trân trọng và động viên sự ủng hộ của người lao động…

- Điều quan trọng là tìm các nguồn hợp lý để chăm lo và có cách thức chăm lo phù hợp cho công nhân, người lao động, kể cả người về quê hay người ở lại thành phố ăn tết. Trên tinh thần “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” như Bác Hồ đã dạy, việc chăm không nên “bổ đồng” hay “cào bằng” mà cần chú ý đến nhu cầu từng trường hợp cụ thể nhưng tránh bỏ sót, nhất là do khả năng nắm bắt, khảo sát hạn chế. Chính quyền địa phương và các lực lượng cần có giải pháp vận động phù hợp để chăm lo cho người lao động đón tết thật sự ấm áp, vui tươi. Chẳng hạn, với công nhân thực sự có nhu cầu về quê thì cần có biện pháp hỗ trợ, sẽ có ý nghĩa động viên hơn nhiều so với các chăm lo khác; hay bên cạnh vận động chủ doanh nghiệp chia sẻ thì nên quan tâm đến chủ nhà trọ và người dân ngay địa bàn chăm lo, hỗ trợ với các giải pháp thiết thực; ngay cả cách quan tâm cũng có khi mang ý nghĩa hơn là giá trị vật chất của sự quan tâm, trong đó cần thể hiện sự chân thành, trân trọng, đồng hành…

- Việc quan tâm, chăm lo cần gắn với các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động gắn bó với doanh nghiệp, nhất là ngay sau tết hay xảy ra hiện tượng “nhảy việc”, trong bối cảnh còn thiếu lao động, điều đó sẽ làm doanh nghiệp bị động hơn. Hậu quả của việc này không chỉ tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung tại địa phương mà còn tác động trực tiếp đến người lao động. Do đó, các cơ quan chức năng cần tác động, xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và công nhân trên tinh thần tương hỗ, cần có nhau và đôi bên cùng có lợi.

- Ngoài ra, quá trình chăm lo, các cơ quan, đoàn thể cũng chú ý đến việc động viên mọi người đón tết an lành, vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh…; tránh các hoạt động vi phạm pháp luật như cờ bạc, ẩu đả nhau… hoặc mê tín dị đoan, tham gia các tệ nạn xã hội… Cần khơi gợi tinh thần giúp đỡ lẫn nhau và thích ứng tốt với điều kiện xã hội mới trong lúc dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công nhân nói riêng và trong cộng đồng nói chung.

----------------------------------------

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966

AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH

Địa chỉ: Nhà số P11 – A21, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Email: atld.anbinh@gmail.com