Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 7 năm 2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Theo đó nội dung nghị định chứa đầy đủ các yêu cầu bắt buộc và vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn an toàn cháy nổ. Phạm vi áp dụng của nghị định 79 này bao hàm nhiều đối tượng đa dạng như hộ gia đình, trường học, bệnh viện, kho xưởng, công trình xây dựng, chợ, siêu thị,.v.v…
1. ĐIỀU KIỆN AN TOÀN VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY NHÀ KHO, NHÀ XƯỞNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
Đó là những yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp khi hoạt động, nhằm đảm bảo tuân thủ luật phòng cháy chữa cháy cũng như sự an toàn cho cơ sở hoạt động, nhà xưởng hoặc nhà kho chứa hàng.
Nghị định 79 mô tả điều kiện an toàn đối với rất nhiều đối tượng. Nhưng xét về hình thức hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay có thể khái quát thành 2 trường hợp: Cơ sở hoạt động có nhà kho, và kho xưởng xây dựng riêng với kết cấu đặc thù.
1.1. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở
Điều 7 của Nghị định 79 nêu rõ, những cơ sở có kho hàng hóa, vật tư cháy được, hoặc vật tư hàng hóa không cháy nhưng đựng trong các bao bì cháy được, hay các bãi hàng hóa, vật tư có khả năng cháy,…phải đáp ứng các điều kiện an toàn về quy định PCCC với kho hàng cụ thể như sau:
a) Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
b) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
c) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
d) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
e) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
f) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
g) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
h) Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình Nhà kho hàng hóa, vật tư “có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
i) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Lưu ý, các tiêu chuẩn PCCC nhà kho nêu trên phải được duy trì thực hiện trong suốt quá trình doanh nghiệp vận hành.
1.2. Điều kiện an toàn về PCCC đối với công trình cao tầng, nhà khung thép mái tôn
Với nhà xưởng trống dạng khung thép mái tôn vượt quá diện tích khoang ngăn cháy thì phải đáp ứng được thiết kế pccc nhà xưởng là:
a) Có giải pháp chống cháy lan bằng kết cấu xây dựng hoặc hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
b) Có giải pháp tăng giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng chủ yếu theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy nhằm hạn chế nguy cơ sụp đổ khi xảy ra cháy.
2. YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY KHI LẬP DỰ ÁN VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 13 Nghị định 79 trình bày về yêu cầu nội quy phòng cháy chữa cháy trong trường hợp cải tạo công trình, thay đổi tính chất sử dụng, lập dự án thiết kế xây mới thuộc diện phải thẩm duyệt, cần đảm bảo:
– Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh.
– Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác.
– Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của công trình và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
– Lối thoát nạn (cửa, lối đi, hành lang, cầu thang thoát nạn), thiết bị chiếu sáng, thông gió hút khói, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
– Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
– Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng; vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
Trong dự án và thiết kế phải có dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.
3. THIẾT KẾ VÀ THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Nhiều cơ sở, nhà kho nhỏ chỉ cần đảm bảo các quy định PCCC tiêu chuẩn mà không yêu cầu phải có thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Tuy nhiên đối với thiết kế PCCC nhà xưởng, kho hàng hóa vật tư có khối tích từ 1.000 m3 thì đây là điều bắt buộc.
Hồ sơ thẩm duyệt: Hồ sơ thẩm duyệt cho thiết kế phòng cháy chữa cháy cơ sở buộc phải có đầy đủ các giấy tờ dưới đây, nộp cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
– Đơn đề nghị xem xét, xin ý kiến về giải pháp PCCC
– Văn bản của cấp có thẩm quyền về việc cho phép đầu tư (Bản sao công chứng);
– Bảng dự toán tổng kinh phí đầu tư;
– Bản vẽ công trình cùng thuyết minh thiết kế cơ sở, trong đó đáp ứng được các giải pháp PCCC quy định tại Điều 13 nêu trên.
Lưu ý, nếu doanh nghiệp ủy quyền cho một đơn vị khác làm thay thì phải có văn bản ủy quyền đính kèm.
Thời hạn thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy không quá 05 ngày làm việc đối với nhóm công trình B và C, không quá 10 ngày đối với công trình nhóm A.
4. TRÁCH NHIỆM PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY KHO XƯỞNG MỖI DOANH NGHIỆP CẦN TUÂN THỦ
Vậy doanh nghiệp phải làm gì để đáp ứng được quy định phòng cháy chữa cháy kho hàng, kho xưởng của pháp luật? Làm cách nào để tăng cường độ an toàn kho, hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ? Dưới đây là những khuyến cáo từ cơ quan chức năng cũng như những đơn vị có nhiều năm kinh doanh lĩnh vực kho vận:
– Thực hiện nghiêm các điều kiện cũng như yêu cần an toàn về PCCC theo nghị định 79 (đã nêu rõ ở các phần trên).
– Thành lập đội PCCC cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, kỹ năng hướng dẫn thoát nạn và sơ cấp cứu cho người bị nạn. Một vài gợi ý cách phân bổ, tổ chức lực lượng này như sau:
Số lượng nhân viên kho hàng, nhà xưởng | Thành viên đội PCCC cơ sở |
Dưới 10 người | Tất cả là thành viên tham gia đội, có 1 đội trưởng |
Từ 10 đến 50 người | Tối thiểu 10 người, có 1 đội trưởng, các đội phó |
Từ 50 đến 100 người | Tối thiểu 15 người, có 1 đội trưởng, các đội phó |
Từ 100 đến | Tối thiểu 25 người, có 1 đội trưởng, các đội phó |
Doanh nghiệp có nhiều phân xưởng độc lập | Bố trí mỗi kho một đội PCCC, số lượng thành viên tùy quy mô mỗi kho. |
– Bắt buộc phải gắn niêm yết các bảng nội quy PCCC kho, tiêu lệnh PCCC, bảng cấm lửa, cấm hút thuốc,…trong khuôn viên kho hoặc tại những nơi mang tính chất nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ.