Để đảm bảo nơi làm việc được an toàn, ban lãnh đạo nên triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thích hợp. Phòng ngừa tai nạn có nhiều cách, có thể cung cấp thiết bị an toàn và môi trường làm việc an toàn, hạn chế các mối nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể loại bỏ tất cả rủi ro. Trong những trường hợp như vậy, các khu vực nguy hiểm cần được chỉ định bằng các dấu hiệu an toàn thích hợp, thu hút sự chú ý và truyền đạt thông tin an toàn.

Dấu hiệu an toàn (biển báo) bao gồm biển báo cấm , biển báo nguy hiểm , biển báo bắt buộc và biển báo nhắc nhở chỉ dẫn , tất cả đều thúc đẩy sự an toàn của nhân viên.

1. Biển báo cấm:

Có dạng hình tròn đỏ có một gạch chéo ở giữa, được đặt trên nền trắng (trừ biển báo hiệu cấm vào).

- Biển báo cấm vào đối với người và phương tiện thi công: Tất cả người cũng như phương tiện thi công trên công trường khi nhìn thấy biển hiệu này đều không được vào trừ những người và phương tiện có trách nhiệm.

- Biển báo hiệu cấm người đi vào: Cấm tất cả những người không có trách nhiệm đi vào nhưng không cấm máy và phương tiện.

- Biển báo hiệu cấm phương tiên, thiết bị thi công đi vào: Thường đặt ở trước các vị trí nguy hiểm với máy móc và phương tiện thi công di chuyển vào, như vị trí mà đất yếu hoặc dễ sụt lở,…

- Biển báo cấm hút thuốc: treo ở nhưng nơi dễ cháy nổ, trong các phòng kín, phòng có sử dụng điều hòa.

- Biển báo cấm lửa: Đặt ở chỗ dễ cháy nổ, chứa nhiều nhiên liệu.

- Biển báo cấm sử dụng điện thoại di động: Đặt tại các vị trí liên quan tới xăng, dầu hoặc gần các thiết bị thông tin liên lạc của công trình.

2. Biển báo hiệu nguy hiểm:

Thường có dạng hình tam giác có viền đen trên nền vàng.Nó có tính trực quan và mô tả các mối nguy hiểm có thể xuất hiện để giúp mọi người có thể nhận ra mối nguy hiểm để đề phòng.

 

 

- Biển báo nguy hiểm chung: Không chỉ rõ nơi nguy hiểm nào mà báo cho người làm việc về nguy cơ nguy hiểm bất ngờ có thể xảy ra, cần hết sức cẩn thận tại và xung quanh vị trí làm việc có đặt biển báo này.

- Biển báo nguy hiểm cháy nổ: Mô tả nguy cơ cháy nổ và thường đặt ở nơi dễ cháy nổ.

- Biển báo nguy hiểm điện giật: Cảnh báo người làm việc cần tránh xa nếu không có thể sẽ bị điện giật.

- Biển báo nguy hiểm khi làm việc với máy móc thiết bị: Đặt tại vị trí có máy móc hoặc thiết bị làm việc nói chung.

- Biển báo nguy hiểm về vị trí cẩu: Báo cho người làm việc hãy cẩn thận tại vị trí đang cẩu lắp vật liệu hoặc thiết bị, vật đang cẩu có thể bị rơi bất ngờ.

- Biển báo nguy hiểm có thể trượt, ngã hoặc vấp chân: Cảnh báo cho người làm việc có thể bị trượt chân, bị ngã cầu thang hoặc có thể bị vấp chân ngã.

3. Biển báo bắt buộc thực hiện:

Thường có hình tròn nền màu xanh lam nhạt, bên trong là hình ảnh màu trắng có tính trực quan mô tả điều bắt buộc phải thực hiện đối với người làm việc trên công trường.

- Biển báo bắt buộc đội mũ bảo hộ lao động: Thường đặt trước cổng công trường yêu cầu mọi người khi vào công trường đều phải thực hiện.

- Biển báo hiệu bắt buộc phải mặc quần áo bảo hộ lao động: Đặt ở cổng công trường yêu cầu tất cả công nhân phải thực hiện có thể trừ nhân viên hành chính, thủ kho và dịch vụ trên công trường không cần thực hiện.

- Biển báo hiệu bắt buộc phải đeo dây an toàn: Đặt ở vị trí nguy hiểm khi làm việc trên cao mà không có lan can an toàn,…

4. Biển báo hiệu nhắc nhở và chỉ dẫn:

Thường có hình chữ nhật trên nền xanh lá cây, xanh lam nhạt hoặc màu đỏ. Trên biển báo có ghi những điều nhắc nhở hoặc hướng dẫn những người làm việc trên công trường thực hiện tốt các biện pháp về an toàn lao động.

- Biển báo nhắc nhở an toàn: Được đặt ở nhiều chỗ trên công trường đặc biệt ưu tiên những chỗ dễ nhìn thấy tronng quá trình làm việc.Nó nhắc nhở người làm việc luôn chú ý và đề phòng tai nạn.

- Biển báo nguy cơ cháy: Đặt ở vị trí gần nơi dễ xảy ra cháy nổ, trên công trường thì có các thiết bị báo cháy,…

Nguồn: Trung tâm ứng phó sự cố an toàn môi trường và Shell International Limited