QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 điều này.
Điều 145 Bộ luật quy định về quyền của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các chế độ căn bản. Sở dĩ gọi đây là những chế độ căn bản bởi vì ngoài các chế độ do pháp luật quy định thì người lao động có thể được hưởng các chế độ khác trên cơ sở thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc nội quy, quy chế và thậm chí là từ quyết định cụ thể mang tính chủ động của người sử dụng lao động. Các chế độ nêu tại Điều 145 Bộ luật gồm:
– Chế độ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo theo Luật Bảo hiểm xã hội: Tuỳ từng trường hợp cụ thể, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi theo tiêu chuẩn và điều kiện mà Luật Bảo hiểm xã hội quy định. Ngoài được hưởng các chế độ trợ cấp căn bản, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ luật Lao động quy định, theo quy định của pháp luật người lao động còn được hưởng các chế độ khác như: trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị, trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, trợ cấp phục vụ, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần khi chết…
– Chế độ bảo đảm của người sử dụng lao động: Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc quy định trường hợp nêu trên thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước là phòng, chống hiện tượng người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, xâm hại quyền lợi hợp pháp, chính đáng mang tính thiết thân của người lao động. Đồng thời, giúp người lao động giác ngộ về quyền lợi của mình, có cơ sở pháp lý để có thể tự bảo vệ mình.
– Bộ luật quy định nghĩa vụ bồi thường của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp nếu có đủ điều kiện theo pháp luật: Bồi thường là nghĩa vụ đối xứng, như biện pháp “trả giá” cho việc sử dụng quyền lực và mệnh lệnh đối với người lao động.
– Quy định nghĩa vụ trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một loại quy định mang tính nhân văn, ngay cả trong trường hợp người lao động có lỗi gây nên tai nạn lao động thì vẫn được trợ cấp. Tuy nhiên, việc trợ cấp là có cơ sở, người lao động có lỗi do sơ suất hoặc do tự tin thực hiện các quy tắc kỹ thuật khi thi hành nhiệm vụ nhưng xét cho cùng là vì mục đích thực hiện công việc dẫn đến thiệt hại cho chính bản thân họ.
Do đó, quy định về nghĩa vụ bồi thường là nhằm động viên, giúp đỡ họ tiếp tục yên tâm làm việc, cống hiến (nếu còn khả năng) hoặc khắc phục một phần khó khăn trong đời sống.