Tạo chuyển biến trong công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ

(HBĐT) - Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã ban hành Quyết định số 1808, ngày 17/5/2019, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ tại một số Ban chỉ đạo huyện; kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất và phòng, chống cháy nổ (PCCN) tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, công tác ATVSLĐ-PCCN ở nhiều DN đã có sự chuyển biến đáng kể, song vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục.

 

Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình tại KCN Lương Sơn quan tâm bố trí phòng y tế, trang bị đầy đủ tủ thuốc và các thiết bị cần thiết, đảm bảo yêu cầu sơ cứu tại chỗ.

 

Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình đóng tại KCN Lương Sơn chuyên sản xuất và gia công trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động, hiện giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động. Ban lãnh đạo Công ty luôn có sự quan tâm cao đến công tác ATVSLĐ, coi đây là yếu tố quan trọng đối với sự vững mạnh của DN. Định kỳ 6 tháng/lần, Công ty tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm giải quyết kịp thời ý kiến, nguyện vọng của người lao động. Công ty xây dựng thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản việc làm có lợi cho người lao động; bố trí vị trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường, sức khỏe, giới tính nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, Công ty luôn chú trọng thực hiện các quy định về PCCN; đảm bảo môi trường làm việc tốt; có hồ sơ quản lý sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động. Năm 2018, Công ty được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ.

 

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ, đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra tại 26 DN. Ngành nghề SX-KD chính của các DN là sản xuất hàng may mặc; chế biến, chế tạo, lắp ráp điện tử; sản xuất vật liệu xây dựng; du lịch, nghỉ dưỡng; sân golf; xử lý rác thải; khai thác khoáng sản, than…

 

Qua kiểm tra cho thấy, các DN có 16.394 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ), trong đó, 16.349 thiết bị đã được kiểm định, 45 thiết bị chưa kiểm định; 84 thiết bị đã khai báo sử dụng; 16.310 thiết bị chưa khai báo sử dụng (chủ yếu là các chai chứa LPG: bình đựng khí gas).

 

Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Nhìn chung, công tác ATVSLĐ - PCCN đã có sự chuyển biến tích cực. Đa số DN thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công tác PCCN theo đúng quy định. Đồng thời cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; ban hành nội quy lao động, tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ và ban hành nội quy, quy trình vận hành các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Các DN cũng quan tâm tổ chức đo quan trắc môi trường, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, cử cán bộ làm công tác y tế hoặc ký hợp đồng sơ cấp cứu với trạm y tế gần nhất để kịp thời xử lý các trường hợp khẩn cấp xảy ra. Điển hình như Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình, Công ty TNHH Seyoung INC Hàn Quốc; Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam; Công ty TNHH HNT Vina và Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình. Từ việc coi trọng công tác ATVSLĐ-PCCN đã góp phần giúp các DN nâng cao hiệu quả SX-KD.

 

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cũng cho thấy, còn những DN chưa thực sự coi trọng công tác ATVSLĐ - PCCN, cá biệt có DN chưa thực hiện các nội dung về công tác này. Theo đó, tại một số DN phân công cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, công tác y tế theo chế độ kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa đúng theo quy định. Một số DN chưa cập nhật thông tin nên không nắm được các quy định mới về công tác ATVSLĐ-PCCN như: sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ nhưng không kiểm định hoặc có kiểm định nhưng không khai báo. Chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp loại trừ, phòng ngừa. Đồng thời chưa nghiêm túc, tự giác thực hiện các quy định về bảo đảm ATVSLĐ-PCCN, việc khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động còn hạn chế; hệ thống chiếu sáng, hút bụi, chống ồn không đầy đủ, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Chưa có biển hướng dẫn quy định vận hành máy, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn tại các nơi đặt máy, thiết bị... Những hạn chế, thiếu sót của các DN đã được đoàn kiểm tra đưa ra các kiến nghị, yêu cầu đơn vị sửa chữa, khắc phục và giao thời gian thực hiện cụ thể.

 

Ngoài ra, để tăng cường công tác ATVSLĐ - PCCN, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị UBND các huyện, thành phố; cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, ngành tiếp tục coi trọng triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về công tác ATVSLĐ, tuyên truyền Luật ATVSLĐ đến các DN, hộ SX-KD, các HTX trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn công tác ATVSLĐ-PCCN theo lĩnh vực ngành quản lý; đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các DN vi phạm. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề nghị các sở, ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các DN thực hiện các nội dung về công tác ATVSLĐ-PCCN theo chức năng, lĩnh vực của ngành...