Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, năm 2017, TP có 102 người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) và 303 người bị thương nặng. Mới đây, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến các chuyên gia về giải pháp kéo giảm tỉ lệ TNLĐ trên địa bàn.
Gánh rủi ro do thiếu ý thức
Một trong những khó khăn mà thực tiễn đặt ra là việc TP HCM có rất nhiều lao động nhập cư từ nhiều nơi đến làm việc, đa số họ thiếu tác phong công nghiệp, đặc biệt là ý thức kỷ luật lao động chưa cao. Trong khi đó, theo các chuyên gia an toàn lao động (ATLĐ), việc tổ chức huấn luyện cho những người lao động (NLĐ) này không đơn giản.
Theo ông Mai Hiếu Thảo, Trưởng Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực TP HCM, TP thu hút lao động tứ xứ, kể cả chủ các doanh nghiệp (DN) cũng từ nhiều vùng miền về lập nghiệp. Thực tế này khiến việc xây dựng văn hóa ATLĐ trên diện rộng là rất khó khăn. "Việc bảo đảm an toàn phụ thuộc vào nhận thức của từng cá nhân. Công việc của lao động nhập cư chỉ mang tính tạm bợ, quan hệ chủ - thợ xác lập trên cơ sở đồng hương. Do vậy, sau khi xảy ra TNLĐ, nạn nhân thường được chủ thầu đưa về quê. Đặc thù trên khiến công tác huấn luyện, xây dựng ý thức văn hóa an toàn cho các đối tượng này đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần phải tính toán kỹ" - ông Thảo bày tỏ.
Ngành xây dựng, thi công công trình đòi hỏi tuân thủ cao quy định an toàn lao động
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ Sở LĐ-TB-XH TP HCM, đặc thù TP HCM là có rất nhiều DN vừa và nhỏ, ít quan tâm đến ATLĐ nên rủi ro xảy ra với NLĐ là rất cao. Qua ghi nhận, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng xảy ra chủ yếu ở các công trình do công ty, nhà thầu nhỏ, nhóm thợ thiếu kinh nghiệm đảm trách. Ở những DN này, nguồn lực để bảo đảm ATLĐ rất hạn chế. "Các DN nhỏ không sợ mất thương hiệu nên thường thả nổi vấn đề ATLĐ. Việc phát động xây dựng ý thức an toàn vẫn chưa chạm tới được các DN loại này, trong khi xử lý hình sự vẫn khiêm tốn, chưa đủ sức răn đe" - ông Việt nhận định.
Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp
Theo ông Mai Hiếu Thảo, có thể kiểm soát an toàn ngay từ khâu đấu thầu các dự án. "Đối tượng đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ vấn đề ATLĐ là các DN lâu nay chỉ cạnh tranh bằng giá thi công lẫn nhân công rẻ. Để có lợi nhuận, các DN thường tìm mọi cách giảm chi phí, trong đó có chi dành cho công tác bảo hộ lao động" - ông Thảo bày tỏ.
Trả lời câu hỏi khi TNLĐ xảy ra nhiều thì lỗi thuộc về ai, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục ATLĐ - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết ngay khi NLĐ có vi phạm quy định ATLĐ đi nữa thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về DN. "Đành rằng NLĐ cần việc làm, song nếu DN thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn thì NLĐ muốn vi phạm cũng không được. Đơn cử như các công trường xây dựng, nếu tuân thủ đầy đủ các quy định có lưới bảo vệ, dây an toàn... thì dù nhảy từ tầng cao xuống, NLĐ vẫn bảo đảm an toàn tính mạng. Hệ thống luật và văn bản cơ bản là đủ nhưng chúng ta thiếu một giải pháp cụ thể đi thẳng đến DN" - ông Thơ nói.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP, việc kiểm soát ATLĐ có thể đạt được hiệu quả qua việc giám sát chặt chẽ các công ty hoạt động kiểm định kỹ thuật và huấn luyện ATLĐ. Thực tế, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này chỉ thuần túy chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm chất lượng. Qua kiểm tra 12 DN trong năm 2017, có 9 DN sai phạm; năm 2018, thanh tra 8 DN thì có 2 DN bị tước giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này. "Đây là một thực tế đáng báo động. TP HCM hiện có hơn 70 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Có trường hợp vừa qua, một DN bị tước giấy phép xong vẫn đi thẩm định cần trục tháp, kết quả cần trục gặp sự cố dù không gãy hẳn nhưng khá nghiêm trọng. Ngoài kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép lại cho các DN loại này, cần công bố rộng rãi tên các DN sai phạm, bị tước giấy phép trên các phương tiện thông tin đại chúng" - ông Lâm đề xuất.
Nguồn : http://bit.ly/2wKqlbY