Những năm qua, công tác phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động luôn được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền cho các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động về nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.327 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) trong đó:
- Số người chết vì TNLĐ: 979 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 610 người, giảm 12 người tương ứng với 1,93% so với năm 2018; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 369 người, giảm 48 người tương ứng với 11,5% so với năm 2018);
- Số vụ TNLĐ chết người: 927 vụ (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 572 vụ, giảm 06 vụ tương ứng với 1,03% so với năm 2018; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 355 vụ, giảm 39 vụ tương ứng với 9,9% so với năm 2018);
- Số người bị thương nặng: 1.892 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 1.592 người, giảm 92 người tương ứng với 5,5% so với năm 2018; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 300 người, tăng 45 người tương ứng với 17,6% so với năm 2018);
- Nạn nhân là lao động nữ: 2.771 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 2.535 người, tăng 48 người tương ứng với 1,84% so với năm 2018; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 236 người, tăng 58 người tương ứng với 32,6% so với năm 2018);
- Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 146 vụ (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 119 vụ, tăng 43 vụ tương ứng với 56,6% so với năm 2018; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 27 vụ, giảm 09 vụ tương ứng với 25% so với năm 2018).
Hậu quả của tai nạn lao động là không đo, đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặt khác, uy tín của DN cũng bị ảnh hưởng; hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn. Song, thiệt thòi về phía người lao động vẫn nặng nề hơn hết. Không chỉ bị tổn hại về tính mạng, sức khỏe, khả năng làm việc, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.
Vì vậy người sử dụng lao động cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện, tuyên truyền kiến thức, quy định pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc , chăm sóc bảo vệ sức khỏe của người lao động. Bên cạnh đó, NLĐ cần phải nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa rủi ro trong quá trình làm việc. Đối với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp cận với các loại máy, thiết bị, vật tư luôn phải tập trung cao độ và chấp hành nghiêm ngặt những quy định về ATLĐ.