Theo Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, việc bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động cho người lao động tại các công trình xây dựng, đặc biệt là xây dựng dân dụng vẫn chưa được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm đúng mức.
►>>Lỗi chủ yếu do người sử dụng lao động
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động phần lớn xuất phát từ phía người sử dụng lao động, chiếm tỉ lệ 46,5% với các vi phạm như: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức lao động và điều kiện lao động không bảo đảm; không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Ngoài ra, việc người lao động không tuân thủ các quy chuẩn an toàn lao động hay tai nạn giao thông cũng góp phần làm gia tăng các vụ tai nạn lao động.
Hậu quả là không chỉ khiến người lao động mất mạng, tổn hại sức khỏe mà người sử dụng lao động cũng rơi vào vòng lao lý.
Nhiều người chưa quên trường hợp ông L.Đ.H có nhận thầu xây dựng một nhà nuôi yến tại Đồng Nai và thuê 6 công nhân thi công công trình. Ngày 19/12/2018, khi 3 công nhân đang tô tường trên cao thì giàn giáo bị gãy khiến tất cả rơi xuống đất. Hậu quả, anh V.H (sinh năm 1985, ngụ ở tỉnh Đồng Nai) tử vong tại bệnh viện do bị chấn thương ngực kín, tràn máu màng phổi, 2 công nhân khác bị chấn thương vùng đầu, lưng, tay, chân.
Vụ án đã được khởi tố và Tòa án nhân dân thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử mới đây. Tại tòa, nhiều sai phạm của ông L.Đ.H đã được chỉ rõ. Đó là: Không trang bị cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm; không thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động theo quy định của Luật An toàn – Vệ sinh lao động, từ đó gây hậu quả chết người. Vì những vi phạm đó, ông H. đã bị kết án 1 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 2 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
►>>Người lao động phải tự bảo vệ mình
Theo luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hậu quả tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tinh thần và thu nhập của người lao động mà còn khiến doanh nghiệp bị thiệt hại bởi chi phí bồi thường không nhỏ.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Dũng, để phòng ngừa tai nạn lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động phải có ý thức tuân thủ các quy định của Luật An toàn – Vệ sinh lao động. Đặc biệt, người lao động biết tự bảo vệ mình thông qua việc tuân thủ đúng quy định về an toàn lao động, tham gia các khóa huấn luyện về An toàn – Vệ sinh lao động. Ngoài ra, người lao động cần kịp thời báo cáo với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn lao động và từ chối nếu điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.
-----------------------------------------------------------
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
VUI LÒNG LIÊN HỆ HOTLINE: 0918.573.966
AN TOÀN LAO ĐỘNG AN BÌNH
Địa chỉ: Nhà số P11 – A21, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Email: atld.anbinh@gmail.com